NÉT ĐẸP VĂN HÓA NÉT ĐẸP VĂN HÓA

Lễ hội và văn hóa dân gian Bắc Giang

|
Lượt xem:
Bắc Giang có đặc điểm văn hóa phong phú và đa dạng, được quy tụ và thể hiện thông qua đời sống, phong tục, tập quán truyền thống của cộng đồng mỗi dân tộc; biểu hiện qua các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo ở lễ hội truyền thống.
Lễ hội Thổ Hà là 1 trong 3 Lễ hội của tỉnh Bắc Giang
được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hội đình

Bắc Giang có lễ hội cổ truyền và lễ hội mới sáng tạo do xu hướng của thời đại. Đó là hội đình, hội đền, hội chùa, hội chợ, hội hát và một số lễ hội mang tính chất kỷ niệm lịch sử. Tuy nhiên, phong phú và đặc trưng nhất vẫn là hội đình, hội chùa. Một số lễ hội đình tiêu biểu như:

Lễ hội Từ Hả, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn: Được tổ chức từ ngày 7 - 9 tháng giêng âm lịch hàng năm. Ngoài nghi lễ tế Vũ Thành còn có diễn tích trận mạc tượng trưng cho chiến thắng do Vũ Thành chỉ huy. Sau tế lễ là các trò hội như: Múa sư tử, hát Sloong hao, Sli, Lượn,... của các dân tộc ít người. Những hoạt động này nhằm thoả mãn nhu cầu về tâm linh, nhu cầu văn hóa và qua đó giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào và tính đoàn kết dân tộc cho các thế hệ.

Màn múa sinh tiền đặc sắc trong lễ hội Thổ Hà

Hội đình Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên: Đình Thổ Hà là một công trình điêu khắc nghệ thuật có quy mô hoành tráng và độc đáo. Đó là một ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc xưa. Thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân đã xếp hạng đình Thổ Hà trong viện bảo tàng Bác Cổ Đông Dương. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã công nhận đó là di tích lịch sử văn hoá từ năm 1960. Là một làng nhỏ với địa bàn không rộng nhưng từ xưa, Thổ Hà có tới 4 ngày hội lớn trong năm: Hội Xuân, Hội Thượng Nguyên ở chùa Đoan Minh, Hội Thu, Hội Đình. Nhưng những năm gần đây, làng đã nhập 4 ngày hội trên thành một lễ hội lớn được tổ chức trong 2 ngày (21 và 22 tháng giêng âm lịch). Cùng với việc tế lễ ở đình, ở chùa Đoan Minh, lễ hội còn tổ chức rước kiệu, các trò vui chơi giải trí: Bơi chải, chèo thuyền bắt vịt, buổi tối có diễn Tuồng cổ, hát Quan họ...

Ngoài ra còn rất nhiều hội đình như: Hội đình Phúc Long (xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên), hội đình Cao Thượng (xã Cao Thượng, huyện Tân Yên), hội đình Vồng (xã Vân Cầu, huyện Tân Yên), hội đình Thanh Lương (xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang)…

Hội chùa

Cùng với sự du nhập văn hoá phương Bắc, Phật giáo Việt Nam ngày càng phồn vinh. Phật giáo đã thay thế hoặc dung hoà hạt nhân tín ngưỡng của hội làng, từ đó hội chùa xuất hiện. Chùa là nơi thờ Phật và cũng là nơi diễn ra lễ hội của toàn dân. Điển hình là một số lễ hội chùa lớn như:

Liền anh, liền chị quan họ trảy hội chùa Bổ Đà

Hội chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên: Được tổ chức từ ngày 16 - 18 tháng hai âm lịch hàng năm tại khu vực núi Bổ Đà. Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh, chùa được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, dưới triều vua Lê Dụng Tông (1705-1728) niên hiệu Bảo Thái (1720-1729). Đây không chỉ là một danh thắng có giá trị văn hoá lịch sử mà còn là nơi hành hương thờ phụng thường xuyên của người dân vùng Kinh Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Hiện nay, tới kỳ lễ hội hoặc các ngày lễ, ngày nghỉ rất nhiều khách thập phương tới chùa để tham quan cảnh đẹp và tỏ lòng tín ngưỡng, tạo nên không khí lễ hội rất vui vẻ và mang đậm nét văn hoá.

Chùa Vĩnh Nghiêm (Đức La) xã Trí Yên, huyện Yên Dũng

Hội chùa Đức La xã Trí Yên, huyện Yên Dũng: Chùa được xây dựng vào thế kỷ XIII với tên gọi là Vĩnh Nghiêm Tự của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, do vua Trần Nhân Tông (Pháp hiệu Đổng Kim Cương) sáng lập và dần trở thành trung tâm phật giáo của cả nước. Năm 1822, chùa được trùng tu lớn nhất và được Vua Tự Đức đặt tên thành chùa Đức La. Hội chùa Đức La tổ chức vào ngày 14/02 âm lịch hàng năm. Ngày này, các sư gọi là ngày giỗ tổ nên cũng gọi là hội giỗ tổ chùa La. Tiếng vang mỗi ngày một lan truyền nên thu hút được khách thập phương xa gần đến dự mỗi năm một đông hơn. Qua lễ hội này, đạo phật từ - bi - hỉ - xả một lần nữa được thấm vào lòng người dân đất Bắc.

Hội đền

Theo nếp xưa, nếu như hội đình là của các cụ ông, hội chùa của các cụ bà thì hội đền là của tất cả mọi thành viên trong cộng đồng. Hầu hết các lễ hội này đều có nguồn gốc từ các trò diễn xướng để nhắc lại một hành động, một sự kiện đáng ghi nhớ của một cộng đồng trong xã hội cổ sơ. Xuất phát từ điều kiện người Việt Nam với lòng yêu nước nồng nàn, mọi đạo đức quy về đạo yêu nước... Điển hình là hội Y Sơn thuộc xã Hoà Sơn, huyện Hiệp Hoà. Địa danh này từ thời Lê đã nổi tiếng là "danh lam thắng địa" lung linh huyền thoại và đầy chất thi ca. Đây cũng chính là "hành cung nhà Lê". Hội đền, chùa Y Sơn được tổ chức vào dịp xuân thu nhị kỳ tại xã Hoà Sơn, huyện Hiệp Hoà. Đây là lễ hội cổ truyền có từ lâu đời, nơi đây thờ đức thánh Hùng Linh - người có công giúp vua Hùng dẹp giặc Ân, mang lại bình yên cho đất nước. Trong lễ hội ngoài tế lễ, dẫn rước theo nghi thức cổ truyền, hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đánh đu, bịt mắt bắt dê, nhảy phỗng, đánh cờ người, diễn Tuồng, hát Chèo và nhiều trò chơi khác.

Lễ hội tái diễn các nghi lễ và sự kiện lịch sử

Đây là lễ hội có các nghi lễ tín ngưỡng thờ những nhân vật lịch sử cùng với các trò tái diễn lại cảnh đánh giặc bảo vệ quê hương đất nước. Những lễ hội này thường gắn liền với các di tích đình, đền, chùa hoặc danh lam thắng cảnh của địa phương như:

Lễ hội Xương Giang: Bắt đầu mở ra ở đất Bắc Giang vào năm 1998 và được duy trì liên tục từ đó đến nay. Được xây dựng trên cơ sở chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang năm 1427 của quân dân Đại Việt đập tan gần 10 vạn quân xâm lược nhà Minh trong gần một tháng tại địa bàn Lạng Sơn và Bắc Giang ngày nay. Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang chính là chiến thắng quyết định cho nền độc lập của dân tộc ta ở thế kỷ XV. Vì thế lễ hội Xương Giang là một lễ hội phản ánh lịch sử hào hùng chống xâm lăng của dân tộc, thông qua các hình tượng văn hoá ngay trên mảnh đất Xương Giang lịch sử. Lễ hội được tổ chức vào mồng 6, 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Tái hiện Lễ tế cờ trong Khởi nghĩa Yên Thế

Lễ hội Yên Thế: Năm 1984, lễ kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Yên Thế được tổ chức tại đồn Phồn Xương (thị trấn Cầu Gồ - huyện Yên Thế). Từ lễ kỷ niệm đó trở thành một lễ hội mới - hội Yên Thế đã gây được tiếng vang lớn trong và ngoài tỉnh và được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ. Lễ hội được tổ chức vào ngày 16/3 dương lịch hàng năm. Lễ hội bắt đầu là bài diễn văn khai hội nói về ý nghĩa của phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế và tinh thần của cuộc khởi nghĩa đời đời bất diệt..., tiếp theo là lễ diễu hành biểu dương sức mạnh, biểu dương sự uy nghi, đẹp đẽ và cũng là lúc làm cho không khí ngày hội trở lên sôi động nhất bằng các trò diễn, đóng vai Hoàng Hoa Thám và các nghĩa quân của ông ... khơi lại một thời lịch sử hào hùng của ông cha ta. Lễ hội còn rất nhiều trò vui chơi giải trí như: Võ cổ truyền, vật dân tộc, bắn cung, đẩy gậy, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đu quay...

Hội hát

Biểu diễn Dân ca Quan họ là phần không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội tại Bắc Giang.

Bắc Giang còn có Hội hát: Người Kinh ở Bắc Giang có hội hát quan họ dưới mái đình, trên chùa, dọc bờ sông và trong những ngôi nhà ấm cúng. Quan họ Thổ Hà (Việt Yên), cùng với quan họ làng Diềm (Yên Phong - Bắc Ninh) đã cùng nhau cất lên tiếng hát thắm đượm tình người, tạo nên không khí thanh bình trong ngày xuân. Hát ống, hát ví ở xã Liên Chung, huyện Tân Yên cũng là một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc từ xưa còn lưu giữ đến nay. Ở vùng núi - nơi có các dân tộc thiểu số sinh sống, đồng bào dân tộc Tày với điệu Sli, dân tộc Nùng với điệu Lượn, Sán Chí với điệu Schắng côô, Cao Lan với điệu Sịnh Ca... cũng không thua kém gì làn điệu dân ca quan họ. Hàng năm ở huyện Lục Ngạn đều tổ chức lễ hội hát dân ca các dân tộc huyện Lục Ngạn, thu hút nhiều du khách và các nhà nghiên cứu.

Lễ hội hát ống Đền Dành, xã Liên Chung (Tân Yên)

Hội chợ quê

Ngoài các loại lễ hội kể trên, Bắc Giang còn một loại hình hội nữa đó là Hội chợ quê hay còn gọi là chợ phiên tại các làng quê, tuy không nhiều song lại có nét đặc trưng riêng, ví dụ như: Chợ đình làng Cao Thượng (xã Cao Thượng, Tân Yên) được họp vào sáng mồng 2 Tết Nguyên Đán hàng năm ngay trước đình làng, cả năm chỉ có một phiên họp từ khoảng 3 giờ đến khoảng 8 giờ sáng. Mọi người đến chợ trong những bộ quần áo đẹp với tâm trạng hồ hởi phấn khởi chúc tụng nhau những lời tốt đẹp, người bán thì bán để lấy may nên không hề nói thách, người mua cũng quan niệm mua cho có lộc nên chẳng nghĩ mặc cả. Từ em bé đến cụ già không bao giờ to tiếng trong buổi chợ. Mọi lời nói cử chỉ đều tỏ ra lịch thiệp, lễ phép, chân tình và cởi mở. Cứ như vậy, chợ đình Cao Thượng duy trì bao đời nay, không bỏ một năm nào. Hay hội chợ vùng cao, đó là ngày chợ phiên, xưa thì 10 ngày họp một kỳ, nay thì 5 ngày họp một kỳ. Ngày áp phiên, đồng bào trong các bản đi thành từng tốp, người nào cũng mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất. Trong chợ tấp nập kẻ bán, người mua có đủ các loại mặt hàng bách hoá, nông thổ sản... Nhưng việc mua bán diễn ra thong thả mà không vội vàng gì, vì đồng bào các dân tộc ngoài việc đi chợ, còn đi tìm bạn qua các câu hát, những làn điệu dân ca...

Việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống nói chung và công tác tổ chức, quản lý lễ hội nói riêng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là nhiệm vụ của các cấp ủy, chính quyền và cả cộng đồng xã hội. Qua đó, hiện thực hóa chủ trương của Đảng về vai trò của văn hóa, để văn hóa thực sự vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển./.

CHƯƠNG TRÌNH

TUẦN LỄ VĂN HÓA - DU LỊCH BẮC GIANG NĂM 2020

“BẮC GIANG - MIỀN ĐẤT THIÊNG TÂY YÊN TỬ”

-------------***-------------

LỄ KHAI MẠC

- Địa điểm: Khu Di tích Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang.

- Thời gian: 20h00’, ngày 29/01/2020 (tức ngày 05 tháng Giêng âm lịch năm 2020)

 

CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

- Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt Khu Di tích Chiến thắng Xương Giang;

- Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử năm 2020

- Lễ khánh thành Tòa Thượng điện, chùa Hạ;

- Lễ mở cửa rừng tại đền Chín Mìu;

- Lễ khai hội đền Thần Nông;

- Lễ hội Xuân Lung - Thác Ngà;

- Lễ hội Tân Sơn;

- Lễ hội đền Dành, hội hát Ống Tân Yên...

 

CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC

- Trưng bày, giới thiệu các tài liệu, hiện vật về Chiến thắng Xương Giang, Cẩm Trạm - Hồ Cát;

- Trưng bày giới thiệu, quảng bá du lịch Bắc Giang;

- Trưng bày Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm;

- Trưng bày Mộc bản Chùa Bổ Đà;

- Trưng bày ảnh "7 ngày khám phá Tây Yên Tử;

- Triển lãm trưng bày giới thiệu không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm;

- Giải việt dã leo núi chinh phurc đỉnh Non Vua;

- Tổ chức trình diễn Thư pháp;

- Tổ chức Giải Vật dân tộc, Vật tự do tỉnh Bắc Giang;

- Trao giải cuộc thi ảnh "Bắc Giang quê hương tôi"...

 

LỄ TỔNG KẾT, BẾ MẠC

- Địa điểm: Trung tâm Hội nghị tỉnh

- Thời gian dự kiến: Từ ngày 15/02 đến ngày 20/02/2020 (tức từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng năm 2020).

Ảnh đẹp Ảnh đẹp

Video Video

Không tìm thấy video nào

Thông tin ban tổ chức Thông tin ban tổ chức

 Ban tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Giang năm 2020

Ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban Thường trực

Điện thoại: 0984.778.585

Ông Ngô Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Điện thoại: 0912.981.377

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,596
Tổng số trong ngày: 301
Tổng số trong tuần: 3,507
Tổng số trong tháng: 49,556
Tổng số trong năm: 153,861
Tổng số truy cập: 1,127,837