NÉT ĐẸP VĂN HÓA NÉT ĐẸP VĂN HÓA

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm

|
Lượt xem:
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức hàng năm tại chùa Vĩnh Nghiêm (hay còn gọi là Lễ hội chùa La).

Lễ hội thể hiện nhu cầu tinh thần, nhu cầu tâm linh của mỗi người dân, nó mang trong mình rất nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử được lưu truyền qua nhiều thế hệ nên được coi là bảo tàng sống của văn hóa dân tộc. Qua đó, hướng con người về cội nguồn của dân tộc. Xét trên khía cạnh đó thì Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm là một bản thể trong cái chung của văn hóa lễ hội Việt Nam, mang đậm dấu ấn bản địa. Bởi chẳng biết tự bao giờ, chùa Vĩnh Nghiêm đã trở thành điểm đến tâm linh, điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng thu hút đông đảo khách thập phương về dự để hòa mình vào không khí lễ hội tâm linh đặc sắc của chốn tổ Vĩnh Nghiêm:

“Vĩnh Nghiêm chùa ở Đức La

Chùa thờ Tam tổ phái là Trúc Lâm

Bên kia Yên Tử, Quỳnh Lâm

Đây đền Kiếp Bạc, kia chùa Côn Sơn”

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức hàng năm tại chùa Vĩnh Nghiêm (hay còn gọi là Lễ hội chùa La). Trước đây, lễ hội được tổ chức vào ngày 01-11 Âm lịch hằng năm, nhân dân trong vùng vẫn quen gọi đó là tiết lệ của chùa La - ngày hóa của Giác hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào dịp đầu xuân

Những năm gần đây, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức trong ba ngày từ ngày 12 đến ngày14 tháng 02 Âm lịch hàng năm cho hợp với thời tiết mùa xuân, hợp mùa lễ hội và cũng là ngày giỗ của các vị trụ trì thuộc hàng tổ thứ hai như tổ Trần Như, tổ Thích Thanh Hanh… nên các nhà sư trụ trì sau này tổ chức giỗ chung một ngày, gọi là ngày giỗ Tổ nên tính chất hội ít mà tính chất lễ giỗ nhiều hơn.

Hội chùa La mở ra được ba làng La tham gia với sự tổ chức chặt chẽ. Ba làng La gồm La Thượng, La Trung và La Hạ. Cả ba làng đều thờ ba vị tổ Trúc Lâm Yên Tử. Lễ vật gồm:

- La Thượng: chuẩn bị gạo nếp chục thổi xôi đóng oản, hoa quả hương đăng, trang trí cho kiệu của làng, cỗ La Thương sắp 5 tầng, trên cùng là phẩm oản lớn cao, tầng 4 là 4 phẩm oản, tầng 3 là 6 phẩm oản, tầng 2 là 8 phẩm oản, tầng 1 là 10 phẩm oản cấu trúc hình tháp.

- La Trung: Truyền thống làm bánh dầy, làng có 1 khu ruộng cấy tăng gia. Hàng năm giao cho Hội Người cao tuổi cấy lúa nếp, thổi xôi làm bánh dầy.

Giống gạo nếo này gọi là nếp trục vừa trắng vừa thơm, khi làm thành bánh có độ dẻo, màu trắng mịn màng hương thơm tinh khiết. Năm nào làng cũng kết 1 chiếc bánh dầy to bằng cái nia con, nặng 30-40kg, trang trí để vào bóng kính xinh đẹp, ngon lành, sắp lên kiệu rước.

- La Hạ: Chuẩn bị gạo nếp, đường đen xay giã chè lam, đáng bánh trang trí lên kiệu làng mình.

Trong ngày hội mở, mỗi làng tổ chức rước một kiệu lên chùa. Người điều hành toàn bộ cuộc rước của ba làng là Chánh tổng cầm trịch. Thành phần tham gia vác cờ, khiêng kiệu trong cuộc rước là các chàng trai thanh, gái lịch do các làng tuyển chọn. Họ là những thanh niên nam, nữ chưa vợ, chưa chồng, khỏe mạnh, ngoan ngoãn, là con cháu của những gia đình tử tế, mẫu mực có uy tín với làng xóm. Những người này đều mặc áo nâu đỏ, đầu đội nón chóp, chân quấn xà cạp, thắt lưng màu vàng bó múi cạnh sườn, đầu chít khăn vàng bỏ múi. Việc tế tổ do các sư đảm nhiệm. Dưới sự điều hành của sư Trụ trì, các cụ dân thôn tụng kinh niệm phật. Trước ngày mở hội, các cụ quan viên các làng họp bàn phân công cụ thể công việc diễn ra trong ba ngày.

 Lễ chùa Vĩnh Nghiêm.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm do các tăng sư trụ trì ở chùa phối hợp chặt chẽ với UBND xã Trí Yên đứng ra tổ chức. Trước thời gian lễ hội khoảng một tháng, các sư trụ trì ở chùa và chính quyền UBND xã họp bàn, thành lập ra một ban tổ chức để lo liệu. Trong từng làng cụ thể lại có những tiểu ban do làng bầu ra để lo công việc của làng mà nhà chùa phân công. Những ban của làng thường do Trưởng thôn làm Trưởng ban. Thành viên trong ban là các đoàn thể như: Hội Mặt trận, Hội Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…

Từ chiều 13, không khí lễ hội đã tưng bừng nhộn nhịp trong cả vùng Đức La cũ. Băng cờ, biểu ngữ được nhân dân của ba làng La treo, dán tràn ngập từ các nẻo đường. Khách thập phương từng đoàn, từng tốp nô nức kéo nhau từ các ngả đường về chùa.

Đến giờ quy định, các đám rước của các làng La Thượng, La Trung, La Hạ được khởi hành từ trung tâm làng mình tiến về chùa. Đi đầu là đội múa kỳ lân. Sau đoàn kỳ lân là đoàn rước của làng La Thượng, tiếp đến La Trung, sau cùng là La Hạ. Dưới sự điều hành của ban tổ chức lễ hội, khi ba đám rước về đến trước cửa chùa thì dừng lại để ổn định trật tự đội hình.

Ngày hội, cả ba làng tổ chức rước kiệu từ làng mình về chùa Vĩnh Nghiêm tế lễ theo quy định cổ thì có ba lễ:

- Lễ Phật ở Tam bảo do làng La Thượng đảm nhiệm.

- Lễ Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: do đoàn của La trung đảm nhiệm.

- Lễ các tổ sau ba tổ của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử: do đoàn của La Hạ đảm nhiệm.

Dân làng làm lễ cúng lên chùa Vĩnh Nghiêm.

Đoàn rước của La Thượng được phép của ban tổ chức rước vào trong khu vực Tiền đường. Đến khu vực cửa Tiền đường, cờ, lọng và chấp kích tản ra hai bên. Kiệu tiến thẳng vào trong khu vực Tam bảo. Trước Tam bảo, lúc này kiệu được chuyển quay ngược ra ngoài sân và từ từ hạ xuống. Những người khiêng kiệu cũng tản ra hai bên. Tàn lọng vẫn đứng hai bên che cho kiệu. Tất cả những người có chân trong đám rước đều đứng thành hai hàng dọc sát hai bên sườn của kiệu, tay chắp trước ngực, miệng đọc kinh niệm phật. Cỗ đặt trên kiệu được các cụ trong làng hạ xuống và bày đặt trên ban thờ ở Tam bảo. Dưới sự điều hành của sư trụ trì, các cụ trong làng La Thượng tổ chức lễ Phật và dâng lễ.

Đoàn rước của La Trung được rước vào nhà Tổ đệ nhất. Đến trước cửa nhà Tổ, chiêng trống nổi liên hồi. Hai hàng cờ tản ra hai bên thành hàng dọc nhìn vào trong nhà Tổ. Hai hàng chấp kích tiến lên phía trước. Kiệu từ từ tiến lên phía trước cửa nhà Tổ và hạ xuống ngay trước sân nhà tổ. Cỗ cúng tổ của dân thôn La Trung là bánh dày được mang đặt trước ban thờ để cúng tổ. Cỗ tế tổ xong thì để lại nhà chùa một nửa, còn lại đem về chia đều cho các cụ trong thôn gọi là lộc của chùa. Dưới sự điều hành của sư trụ trì, các cụ trong thôn làm lễ tế tổ.

Sau khi thôn La Trung cúng tổ xong thì tới lượt La Hạ. Cỗ cúng tổ của La Hạ được rước vào Nhà Tổ đệ nhị. Lễ cúng tổ do toàn dân trong thôn đóng góp, mỗi hộ 2,000 đồng. Cúng tổ xong, cỗ này để lại cho nhà chùa một phần, còn lại bao nhiêu được chia cho tất cả các gia đình trong thôn cùng hưởng lộc.

 Cả ba làng dâng lễ cúng bái, tối 13 tháng 2 Âm lịch, nhà chùa lập đàn giảng quy tại Tam bảo. Ở đây người ta tổ chức nhiều trò chơi, có lẽ thú vui nhất vào buổi tối là hội diễn các tích trò nhà Phật như: Tích trò Quan Âm Thị Kính, tích trò động Hương tích, tích trò đoạn dưới động Thập điện diêm vương, tích trò mục Kiền Liên đưa mẹ sang sông, lập đàn cắt kết. Đây là một sinh hoạt tín ngưỡng đêm hội mang tính giáo dục rất cao, đáp ứng được nhu cầu tinh thần với khách hành hương và dân trong vùng.

Suốt hai ngày hội, con hương đệ tử từ các nơi nô nức về chùa Vĩnh Nghiêm tế tổ.

Vào hai buổi sáng, tối trong ngày giỗ tổ, nhà chùa thỉnh chuông hoằng dương phật pháp. Suốt hai ngày hội, con hương đệ tử từ các nơi nô nức về chùa Vĩnh Nghiêm tế tổ. Trong hai ngày này toàn dân trong xã, bản tự và khách thập phương thắp hương niệm phật tại chùa và cúng tổ ở Nhà Tổ đệ nhất, Nhà Tổ đệ nhị để Phật tổ hoằng hóa phật pháp cho chúng sinh.

Như vậy, suốt trong hai ngày 13 và 14 tháng 02, không khí hội tràn ngập trong cả ba làng La của xã Đức La cũ (nay là các thôn: Nam Thành, Bắc Thành, Đức Thành, Thanh Long). Cùng với dân xã bản tự, khách thập phương nhớ ngày giỗ tổ cùng nô nức kéo nhau về chùa rất đông để cúng tổ và lễ Phật.

Tiếp theo phần lễ là phần hội, kể cả xưa và nay gồm rất nhiều trò chơi có tính chất văn hóa, thể thao dân gian bổ ích, hấp dẫn, thể hiện tinh thần thượng võ như: Đánh đu, kéo co, vật dân tộc, đập niêu, bịt mắt bắt dê,… Trong khu vực nội tự các cụ bà tổ chức các trò nhà Phật.

Song hành cùng danh lam cổ tự Vĩnh Nghiêm, Lễ hội chùa Vĩnh nghiêm là một lễ hội lớn của khu vực, thu hút cộng đồng dân cư sở tại địa phương cùng các vùng lân cận và muôn ngàn khách thập phương. Đây là một lễ hội lớn trong vùng, thể hiện ảnh hưởng to lớn của Phật giáo trong đời sống xã hội; thông qua lễ hội, thể hiện được đạo lý truyền thống, uống nước, nhớ nguồn của con người Việt Nam tưởng nhớ đến công lao 3 vị sư tổ đã có công khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền mang đậm bản sắc Văn hóa Việt Nam và biết ơn công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm Nguyên - Mông, giữ yên bờ cõi Đại Việt của vị tổ đệ nhất (Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông); đồng thời cho thấy sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng làng xã của nhân dân khu vực Bắc Bộ và của dân tộc Việt Nam.

Chính sự uy nghi long trọng về hình thức, sự phong phú về nội dung, với giá trị nhân văn, tâm linh sâu sắc, xuyên suốt chiều dài lịch sử của lễ hội, đã có ý nghĩa giáo dục to lớn hướng con người đến những điều Chân- Thiện - Mỹ, đó là yếu tố cơ bản để ngày 09-9-2013, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và lễ hội được diễn ra trong ba ngày từ ngày 12 đến 14 tháng 02 Âm lịch hàng năm. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, UBND huyện Yên Dũng luôn quan tâm, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang phối hợp tổ chức Lễ hội Vĩnh Nghiêm hai năm một lần với quy mô hoành tráng, đầu tư đón đoàn nghệ thuật, sân khấu hóa nhằm tái hiện lại cuộc đời, thân thế sự nghiệp của Đức Vua- Phật Hoàng Trần Nhân Tông với đất nước, dân tộc và Thiền phái Trúc Lâm cùng ngôi cổ tự Vĩnh Nghiêm nhưng vẫn gìn giữ được những tiết lễ truyền thống đồng thời tổ chức tuyên truyền về giá trị chùa Vĩnh Nghiêm, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm với các hình thức đa dạng, phong phú qua đó giúp cho nhiều du khách biết đến để cứ đến ngày 12 đến ngày 14 tháng 2 Âm lịch hàng năm lại hành hương về Vĩnh Nghiêm bái Tổ.

Chùa Vĩnh Nghiêm đón nhận Bằng di tích quốc gia.

Về với chốn tổ Vĩnh Nghiêm, du khách thắp một nén hương trầm lễ Phật không chỉ để tĩnh tâm, thanh thản, gác lại những lo toan, nhọc nhằn của cuộc sống đời thường, được đắm mình vào không gian tôn nghiêm để biểu lộ lòng thành kính, biết ơn và sự tưởng niệm công đức của mình tới 03 vị Tam tổ Trúc Lâm mà hơn thế nữa du khách còn được tận mắt chiêm ngưỡng bộ tạng kinh thư phật gồm 3.050 bản ván khắc rời được UNESCO vinh danh là Di sản Tư liệu Ký ức khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012, được chiêm bái nét đẹp của công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo cùng với hệ thống tượng phật quy chuẩn, mẫu mực mà các ngôi chùa khác hiếm có được. Với những giá trị to lớn như vậy, ngôi cổ tự Vĩnh Nghiêm được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2015. Dân gian vẫn truyền tụng nhau câu ca:

“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm

Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành”

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm ngày nay đã như một sinh hoạt tinh thần không thể thiếu được vùng Kinh Bắc. Lễ hội là một phần linh hồn của di tích, nếu như di tích chứa đựng những kỷ vật như một bảo tàng mà bảo tàng bao giờ cũng im lặng, trong bảo tàng bao giờ cũng cảm nhận thấy sự im lặng, ngưng đọng thì ngược lại lễ hội như khơi dậy sự sống động của di tích. Nhờ có lễ hội này, Di tích lịch sử chùa Vĩnh Nghiêm được bạn bè gần xa và khách du lịch quốc tế biết đến. Đó là nguyên nhân mà ngày nay di tích lịch sử chùa Vĩnh Nghiêm được nhân dân và chính quyền địa phương thường tổ chức lễ hội rất to, thông qua lễ hội mà giới thiệu với toàn dân hiểu biết về di tích, kiến trúc nghệ thuật phật giáo mang đậm phong cách dân tộc về hình thức cũng như nội dung được tích hợp qua các thời kỳ lịch sử. Chúng ta cần giữ gìn, tôn tạo chùa Vĩnh Nghiêm ngày càng đẹp, để nơi đây mãi phát huy giá trị văn hoá và lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam ta.

BQL Di tích lịch sử văn hóa huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang

CHƯƠNG TRÌNH

TUẦN LỄ VĂN HÓA - DU LỊCH BẮC GIANG NĂM 2020

“BẮC GIANG - MIỀN ĐẤT THIÊNG TÂY YÊN TỬ”

-------------***-------------

LỄ KHAI MẠC

- Địa điểm: Khu Di tích Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang.

- Thời gian: 20h00’, ngày 29/01/2020 (tức ngày 05 tháng Giêng âm lịch năm 2020)

 

CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

- Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt Khu Di tích Chiến thắng Xương Giang;

- Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử năm 2020

- Lễ khánh thành Tòa Thượng điện, chùa Hạ;

- Lễ mở cửa rừng tại đền Chín Mìu;

- Lễ khai hội đền Thần Nông;

- Lễ hội Xuân Lung - Thác Ngà;

- Lễ hội Tân Sơn;

- Lễ hội đền Dành, hội hát Ống Tân Yên...

 

CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC

- Trưng bày, giới thiệu các tài liệu, hiện vật về Chiến thắng Xương Giang, Cẩm Trạm - Hồ Cát;

- Trưng bày giới thiệu, quảng bá du lịch Bắc Giang;

- Trưng bày Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm;

- Trưng bày Mộc bản Chùa Bổ Đà;

- Trưng bày ảnh "7 ngày khám phá Tây Yên Tử;

- Triển lãm trưng bày giới thiệu không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm;

- Giải việt dã leo núi chinh phurc đỉnh Non Vua;

- Tổ chức trình diễn Thư pháp;

- Tổ chức Giải Vật dân tộc, Vật tự do tỉnh Bắc Giang;

- Trao giải cuộc thi ảnh "Bắc Giang quê hương tôi"...

 

LỄ TỔNG KẾT, BẾ MẠC

- Địa điểm: Trung tâm Hội nghị tỉnh

- Thời gian dự kiến: Từ ngày 15/02 đến ngày 20/02/2020 (tức từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng năm 2020).

Ảnh đẹp Ảnh đẹp

Video Video

Không tìm thấy video nào

Thông tin ban tổ chức Thông tin ban tổ chức

 Ban tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Giang năm 2020

Ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban Thường trực

Điện thoại: 0984.778.585

Ông Ngô Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Điện thoại: 0912.981.377

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 7,940
Tổng số trong ngày: 229
Tổng số trong tuần: 3,030
Tổng số trong tháng: 49,079
Tổng số trong năm: 153,384
Tổng số truy cập: 1,127,360