Tin tức Tin tức

Đường lên non thiêng Yên Tử

|
Lượt xem:
Điểm đến tiếp theo là Khu du lịch sinh thái Đồng Thông thuộc xã Tuấn Mậu. Đây được xác định là điểm du lịch trọng điểm, nằm trong tuyến du lịch Tây Yên Tử.

 

 

Trên đỉnh Đồng Thông 

Sau hơn hai giờ đồng hồ, vượt qua quãng đường gập ghềnh, chúng tôi có mặt tại bản Mậu, xã Tuấn Mậu.

Bản Mậu có hơn 160 hộ gia đình người Dao Thanh Phán sinh sống ở thung lũng hẹp. Khác với miền xuôi, sự thanh bình, yên tĩnh của người dân trong bản là điều dễ nhận thấy. Đáng nói, đồng bào người Dao nơi này vẫn giữ được nhiều tập tục sinh hoạt văn hóa đặc sắc.

Chúng tôi may mắn được chứng kiến lễ cấp sắc của anh Triệu Hữu Cương. Theo tập tục này, ai đến tuổi trưởng thành cũng phải trải qua lễ cấp sắc. Đây là sự kiện hết sức quan trọng, chấm dứt thời thơ ấu của một chàng trai để đặt tên mới. Từ đây, anh ta bắt đầu thực hiện nghĩa vụ của một người đàn ông thực sự trong cộng đồng. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì lễ cấp sắc kéo dài từ 3 đến 5 ngày với các thủ tục, nghi lễ độc đáo được chuẩn bị công phu như: Lễ trình diện, lễ khai đàn, lễ thụ đèn... Quan trọng nhất trong nghi lễ là cấp pháp danh cho người thụ lễ. Đặc biệt trong lễ cấp sắc là cấp đạo sắc cho người thụ lễ với 10 điều cấm và 10 điều nguyện. Rất tiếc, chúng tôi không có nhiều thời gian để chứng kiến hết những nghi lễ hết sức đặc trưng đó.

 

Lễ cấp sắc của anh Triệu Hữu Cương

 Một truyền thuyết thực sự hấp dẫn thu hút sự tò mò của chúng tôi. Đó là con gái người Dao bản Mậu rất xinh đẹp, nết na. Tục truyền ở đây có một giếng Tiên, con gái, đàn bà dùng nước ấy nên rất đẹp. Các đời vua xưa đều ngưỡng mộ con gái ở vùng này. Một cụ cao niên trong bản dẫn chúng tôi đến “giếng Tiên”, thế nhưng, hiện nay giếng đã bị lấp mất chỉ còn lại những tảng đá nhẵn nhụi phủ màu rêu bên cạnh bụi cây rậm.

Rừng ở Đồng Thông là cánh rừng già, có nhiều loại thuốc nam rất quý. Do đó cũng dễ hiểu bà con có nghề thuốc nổi tiếng. Có người còn nói: thuốc nam là “quốc hồn, quốc túy” của Sơn Động. Thuốc nam của người Dao bản Mậu đã trở thành một sản phẩm du lịch và được du khách tìm kiếm vào mỗi dịp ghé qua, đặc biệt là dịp lễ hội Yên Tử.

 

Người Dao bản Mậu có nhiều bài thuốc quý

Tạm biệt bản Mậu thanh bình, chúng tôi đến Khu du lịch sinh thái Đồng Thông. Từ đây, chúng tôi còn phải đi bộ, vượt rừng gần 4 km nữa mới đến chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử. Theo con đường mòn đã được Ban quản lý khu bảo tồn Tây Yên Tử cải tạo, chèn chắn khá chắc chắn, chúng tôi phải vượt qua suối Đồng Thông chảy từ chùa Đồng xuống. Nếu như đi bộ bình thường leo lên đỉnh Yên Tử sẽ mất hơn hai tiếng đồng hồ, nhưng chúng tôi vừa đi vừa nhẩn nha ghi hình, chụp ảnh nên chắc chắn thời gian sẽ dài hơn. Mọi người có thể cảm nhận được vẻ đẹp của những cây gỗ quý lâu năm, những giò lan bám vào mỏm đá rêu phong. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những chú sóc chuyền thoăn thoắt trên cành cây và nhanh chóng biến mất trong màu xanh của rừng. Nhiều đoạn rất khó đi, người sau theo bước người trước lựa chân chắc chắn vào từng tảng đá mới dám bước lên, thỉnh thoảng lại có những thang gỗ do người hành hương lên chùa Đồng bắc dựng bên sườn núi nên chúng tôi cũng dễ dàng leo lên. Leo gần hai tiếng đồng hồ, chúng tôi tới lưng chừng núi, ai nấy đều mệt nhoài. Tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi là chị Trịnh Thị Thu – một cô gái bản Mậu chân chất, khỏe mạnh và khá duyên dáng. Chị liên tục giục chúng tôi nhanh chân kẻo trời tối sẽ không kịp hái lá trầu tiên trên đỉnh núi. Lúc ở bản Mậu, các cụ cao niên kể về sự tích lá trầu tiên rất hay. Đó là trên đỉnh Phù Vân Yên Tử, cảnh đẹp như bồng lai tiên cảnh, xưa kia các tiên nữ trên Tiên giới thường xuống vui đùa, nghỉ ngơi. Họ ăn trầu và vứt bã trầu xuống núi. Từ những bã trầu mọc lên loại cây gọi là cây trầu tiên. Lá trầu này có thể chữa được nhiều loại bệnh, nhất là chữa cảm sốt, nhức đầu rất hiệu nghiệm. Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm thấy những cụm cây ở trong hốc đá có lá giống lá trầu không mà người dân ở đây vẫn gọi là trầu tiên. Sau đó, chúng tôi gặp tảng đá lớn bằng cả gian nhà, hình thù của nó giống một con rùa khổng lồ đang nhẫn nại leo lên núi, đầu ngẩng cao hướng về chùa Đồng. Theo quan niệm phương Đông, rùa là một trong tứ linh (long, ly, quy, phượng). Chị Thu cho biết, con rùa này mới được phát hiện mấy năm, người ta vẫn thường gọi là rùa đá hay rùa thần.

Trời đã tối, đi tiếp một đoạn, chúng tôi bắt gặp một ngôi lán khá lớn. Chị chủ nhà tên Hiển cho biết, giờ này cáp treo không làm việc, vậy là chúng tôi xin phép ngủ nhờ. Cơm nước chúng tôi tự biên, tự diễn, chủ yếu là rau xanh, thêm con gà chị chủ nhà nuôi được. Vừa mệt, vừa đói, bữa cơm ngon và đáng nhớ nhất trong chuyến hành trình khám phá Tây Yên Tử của chúng tôi.

Bình minh lên, cảnh núi rừng tuyệt đẹp. Từ chỗ chúng tôi ngủ nhờ có thể nhìn rõ chùa Đồng ẩn hiện trong mây mờ giữa đỉnh Yên Sơn.

Tạm biệt chị chủ nhà tốt bụng, chúng tôi bắt đầu lên chùa Đồng. Con đường lên núi cũng không dễ chút nào, phải len lỏi giữa các bậc đá cao thấp, thậm chí chênh vênh. Chúng tôi qua tháp 9 tầng. Ở đây có hệ thống cáp treo lên xuống chùa Hoa Yên. Thường thì khách hành hương từ phía Quảng Ninh lên từ phía đường này. Trèo lên tầng cao nhất của tháp, chúng tôi ngắm cảnh sắc núi rừng Yên Tử trùng trùng điệp điệp trong sương mờ thật hùng vĩ. Dãy Yên tử đã được người xưa xem xét và coi đó là phúc địa thứ tư của Giao Châu. Xung quanh núi Yên Tử bạt ngàn là trúc. Cây trúc nhỏ nhắn, xinh xắn mà có sức sống lạ kỳ. Rễ của nó bám vào đá, uống nước là những giọt sương trong vắt. Có lẽ vì hưởng những gì tinh túy của đất trời, nên trúc ở đây có sức sống bền bỉ, dẻo dai làm nên màu xanh bất tận điểm tô vẻ đẹp huyền bí của Phù Vân Yên Tử.

Chúng tôi tiếp tục lên núi. Trên một bãi đất khá phẳng có một tượng đá giống như hình một nhà sư chắp tay cung kính, đó là tượng đá An Kỳ Sinh (Yên Kỳ Sinh). Tục truyền, ngày xưa núi này có nhiều cây thuốc quý, người ta thường lên núi hái thuốc. Có một đạo sĩ tên là Yên Kỳ Sinh chuyên hái lượm thuốc luyện thuốc trường sinh và tu luyện đạo tiên. Về sau, ông chết hóa thành tượng đá, người ta gọi là Yên Tử. Núi có tên Yên Tử từ đó.

 

Đường lên chùa Đồng gập ghềnh theo sườn núi

Đường lên chùa Đồng dọc theo sống núi, có rất nhiều tảng đá hình thù kỳ lạ trông như một bảo tàng đá độc nhất vô nhị giữa mây tầng mây ngút ngàn. Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh tòa sen trông huyền diệu, uy nghiêm và linh thiêng giữa chốn thiền lâm. Muốn lên chùa Đồng phải qua Cổng Trời do hai phiến đá lớn tạo thành. Cổng Trời chỉ chừa một lối vừa một người đi lọt. Thấp hơn Cổng Trời một chút là một phiến đá mỏng cao hơn 5m. Mặt đá chính diện trông như chiếc oản dâng cúng Phật, trên có khắc chữ Hán được gọi là bia Phật…

Giữa khung cảnh của đất trời kỳ vĩ, lên tới chùa Đồng, cảm giác trong mỗi chúng tôi thật xốn xang khó tả, tâm hồn nhẹ nhõm và thanh thoát, bao nỗi ưu phiền trần tục tiêu tan. Sức hấp dẫn của chùa Đồng đã có cả triệu người đến với non thiêng này được thả hồn vào cõi tâm linh để cảm nhận được cái hay, cái đẹp của phong cảnh trời đất, con người. Sự linh thiêng kỳ diệu ấy có lẽ chỉ tìm thấy ở đỉnh cao Yên Tử. Về đất Phật là niềm vinh hạnh và tự hào lớn nên có câu: “Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa về Yên Tử, chưa thành quả tu”.

 

Chùa Đồng linh thiêng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tên chữ của chùa là Thiên Trúc tự (chùa Thiên Trúc). Sở dĩ sau này có tên chùa Đồng vì chùa được làm toàn bộ bằng chất liệu đồng. Chùa tọa lạc trên điểm cao nhất của núi Yên Tử, ở độ cao 1.068m so với mực nước biển. Phía sau chùa là vực sâu với vách núi đá dựng đứng, thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang.

Chùa Đồng-Yên Tử từng là nơi tu hành của vua Trần Nhân Tông. Chùa xưa vốn được khởi dựng vào thời hậu Lê, do một bà phi của chúa Trịnh phát tâm công đức, làm bằng khung sắt, mái đồng, quy mô nhỏ như một khám thờ; ngoài ra tượng Phật, chuông, khánh bên trong đều được làm bằng đồng. Vào triều vua Lê Cảnh Hưng, bão lớn làm đổ chùa, chỉ còn lại dấu tích các hố chôn cột trên mỏm đá. Sau đó, một vị thủ nhang chùa Long Hoa (Uông Bí) đã tái tạo lại chùa Đồng nhưng lại bằng bê tông và đặt trên mỏm đá vuông ở vị trí chùa cũ. Nhiều năm sau, các Phật tử công đức dựng lại ngôi chùa mới bằng đồng quy mô nhỏ, đặt bên cạnh ngôi chùa bằng bê tông. Phải đến năm 2007, mọi người mới dựng ngôi chùa mới “hoành tráng” như hiện nay thay thế ngôi chùa đồng cũ.

Hệ thống tượng Phật trong chùa gồm 1 pho tượng Phật Thích Ca và 3 pho tượng Tam Tổ Trúc Lâm. Toàn bộ 3 pho tượng Tổ ngự trên đài sen đặt trên bệ, trang trí hoa văn hình sen, cúc, thị, lá lật, hoa văn sóng nước.

Có một chính khách đã từng nói: Người ta quan tâm tới Yên Tử không phải vì chùa lớn, kiến trúc đặc biệt mà quan tâm tới ý nghĩa lịch sử của Yên Tử, văn hóa Phật giáo Việt Nam. Ở đây, bản sắc văn hóa Việt Nam, tư tưởng, tâm hồn Việt Nam được thể hiện rất rõ.

Tạm biệt chùa Đồng trên đỉnh Phù Vân Yên Tử, chúng tôi về bằng cáp treo, tham quan một số chùa ở bên phía tỉnh Quảng Ninh. Tâm hồn ai nấy thật nhẹ nhõm. Những trải nghiệm khám phá Tây Yên Tử của vùng đất Bắc Giang mãi là dấu ấn khó quên trong mỗi chúng tôi./.

Đăng Lâm

CHƯƠNG TRÌNH

TUẦN LỄ VĂN HÓA - DU LỊCH BẮC GIANG NĂM 2020

“BẮC GIANG - MIỀN ĐẤT THIÊNG TÂY YÊN TỬ”

-------------***-------------

LỄ KHAI MẠC

- Địa điểm: Khu Di tích Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang.

- Thời gian: 20h00’, ngày 29/01/2020 (tức ngày 05 tháng Giêng âm lịch năm 2020)

 

CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

- Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt Khu Di tích Chiến thắng Xương Giang;

- Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử năm 2020

- Lễ khánh thành Tòa Thượng điện, chùa Hạ;

- Lễ mở cửa rừng tại đền Chín Mìu;

- Lễ khai hội đền Thần Nông;

- Lễ hội Xuân Lung - Thác Ngà;

- Lễ hội Tân Sơn;

- Lễ hội đền Dành, hội hát Ống Tân Yên...

 

CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC

- Trưng bày, giới thiệu các tài liệu, hiện vật về Chiến thắng Xương Giang, Cẩm Trạm - Hồ Cát;

- Trưng bày giới thiệu, quảng bá du lịch Bắc Giang;

- Trưng bày Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm;

- Trưng bày Mộc bản Chùa Bổ Đà;

- Trưng bày ảnh "7 ngày khám phá Tây Yên Tử;

- Triển lãm trưng bày giới thiệu không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm;

- Giải việt dã leo núi chinh phurc đỉnh Non Vua;

- Tổ chức trình diễn Thư pháp;

- Tổ chức Giải Vật dân tộc, Vật tự do tỉnh Bắc Giang;

- Trao giải cuộc thi ảnh "Bắc Giang quê hương tôi"...

 

LỄ TỔNG KẾT, BẾ MẠC

- Địa điểm: Trung tâm Hội nghị tỉnh

- Thời gian dự kiến: Từ ngày 15/02 đến ngày 20/02/2020 (tức từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng năm 2020).

Ảnh đẹp Ảnh đẹp

Video Video

Thông tin ban tổ chức Thông tin ban tổ chức

 Ban tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Giang năm 2020

Ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban Thường trực

Điện thoại: 0984.778.585

Ông Ngô Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Điện thoại: 0912.981.377

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 6,671
Tổng số trong ngày: 124
Tổng số trong tuần: 3,330
Tổng số trong tháng: 49,379
Tổng số trong năm: 153,684
Tổng số truy cập: 1,127,660