Sản phẩm du lịch Sản phẩm du lịch

Về Bắc Giang ngắm gốm làng Ngòi

|
Lượt xem:
Làng Ngòi là tên gọi dân gian của thôn Tân Ninh thuộc xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

 

Xưởng sản xuất gốm làng Ngòi. Ảnh: BGP

Nhắc đến gốm làng Ngòi, hầu hết những người trong nghề đều nghĩ ngay tới nghệ nhân đã khai sinh ra dòng gốm độc đáo-Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến. Khuyến sinh năm 1977, tại thôn Tân Ninh (làng Ngòi) trong một gia đình thuần nông nghèo. Bố mẹ không ai làm nghệ thuật, nhưng quê hương anh xa xưa có nghề làm gốm, nay đã bị thất truyền từ lâu. Có lẽ vì thế mà khiến anh luôn nghĩ đến nghề của cha ông và nung nấu ý chí phải làm sống lại làng nghề.

Từ nhỏ anh đã yêu thích nặn đất, vẽ tranh nên sau khi học xong cấp 3, anh quyết định chọn Khoa Gốm trang trí - Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp để thực hiện ước mơ của mình.

Sau 6 năm theo học, ra trường, anh đi làm đủ thứ nghề từ Bắc vào Nam để học hỏi thêm kinh nghiệm cho cái nghiệp mà mình theo đuổi, với những cách thức làm gốm của các dòng gốm nổi tiếng như Phù Lãng, Bát Tràng, ở các làng nghề nổi tiếng như Mạo Khê, Đông Triều, Giếng Đáy (Quảng Ninh), Cường Phát (Bình Dương)...

Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến (bên phải) trao đổi với khách về sản phẩm

gốm làng Ngòi. Ảnh: BGP

Từ những kiến thức được học hành bài bản trong trường, sự cọ xát thực tế bên ngoài xã hội, kết hợp với năng khiếu trời phú, sự tinh xảo của đôi bàn tay, Lưu Xuân Khuyến đã biến nguyên liệu từ “cục đất sét” dễ kiếm tìm tại quê nhà thành những sản phẩm có giá trị văn hóa nghệ thuật mang tên “Gốm làng Ngòi”. Gốm làng Ngòi đã trở thành tên gọi riêng mà anh đặt cho các sản phẩm gốm của mình. Mỗi sản phẩm đều là sự kết tinh của niềm đam mê nghệ thuật, sự cần mẫn cùng tình yêu quê hương, đất nước, yêu nền văn hoá dân gian và của đôi bàn tay tài hoa sáng tạo của người nghệ nhân. Có lẽ vậy mà gốm làng Ngòi đã trở thành sản phẩm bán chạy có tiếng trên thị trường.

Tượng gốm làng Ngòi “liền anh liền chị quan họ” đặt trang trí trước nhà. Ảnh: BGP

Theo chia sẻ của anh, so với các thương hiệu gốm cổ có tiếng của Việt Nam như: gốm Bát Tràng, gốm Quyết, gốm Chu Đậu… thì gốm làng Ngòi còn rất mới mẻ, chỉ với trên 10 năm góp mặt trên thị trường. Tuy nhiên, gốm làng Ngòi đã sớm hình thành được kênh riêng bởi nét độc đáo, giản dị, chân chất nhưng rất có phong cách với hai màu đặc trưng là men nước dưa và xương đất.

Khác với Bát Tràng chỉ vẽ và trang trí bằng màu, Phù Lãng chỉ vuốt và dội men, gốm làng Ngòi được trang trí bằng họa tiết hoa văn đắp nổi thể hiện sinh động trên chất liệu gốm nâu sành rất đặc trưng do chính tay họa sỹ tạo nên. Sản phẩm gốm xù xì mang đậm phong cách dân gian và nét văn hoá làng quê đặc sắc.

Gốm tượng dân gian là một dòng sản phẩm gốm làng Ngòi.

Từ lúc khởi nghiệp, Lưu Xuân Khuyến đã say mê với dòng sản phẩm gốm tượng dân gian, như: tượng Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc hay nhiều loại tượng phù điêu khác khá được ưa chuộng như hình tượng dân gian, hình tượng lịch sử, bình hoa, lá sen, bông lúa, gạch trang trí, đèn vườn. Nhưng phát triển hơn cả vẫn là tranh tường khổ lớn đắp nổi. Mảng tranh gốm ghép dựa trên nền một số dòng tranh nổi tiếng như tranh Đông Hồ, Hàng Trống và cả đặc trưng những nét văn hóa vùng miền trên cả nước như liền anh liền chị quan họ, cô gái hái chè, cồng chiêng Tây Nguyên… Những bức tranh của anh nhìn vừa dân gian cổ truyền, nhưng cũng lại rất mới lạ, ngộ nghĩnh, dí dỏm và mộc mạc giản dị qua cách trình bày. Tranh tường của anh đã được mang đi triển lãm nhiều nơi và được thị trường ưa chuộng, khách hàng đặt anh trang trí nhà vườn cho họ. Sản phẩm được thực hiện bằng họa tiết hoa văn đắp nổi do chính tay nghệ nhân tạo nên. Nội dung của tác phẩm đa dạng phong phú mang đậm tâm hồn Việt.

Hình tượng lịch sử của tranh tường gốm làng Ngòi đắp nổi. Ảnh: BGP

Dòng tranh tường khổ lớn, đắp nổi được ghép từ các mảnh gốm dày, có bức dày tới 10cm rất khó làm, đòi hỏi độ tỉ mỉ trong chế tác và kỹ thuật nung cao. Độ co ngót của tranh tường trong quá trình nung tới 14%, vì vậy, nếu hỏng một mảnh buộc phải làm lại cả bức. Cũng chính bởi khó làm nên giá thành của tranh tường khá đắt, khoảng 5 triệu đồng/m2.

Hình tượng dân gian trong tranh tường đắp nổi. Ảnh: BGP

Nếu như trước đây, gốm làng Ngòi tập trung vào dòng sản phẩm bình, lọ và tượng thì những năm gần đây, dòng sản phẩm tranh tường khổ lớn đắp nổi lại là sản phẩm được tạo hình nhiều và được ưa chuộng hơn cả. Dòng sản phẩm này vừa mang tính nghệ thuật cao lại vừa được ứng dụng trong nhiều không gian khác nhau. Với những đề tài phong phú như “Tứ quý”, “Tam ngưu ngũ tử”, “Ngũ hổ quần cư”, “Ngư tiều canh mục” hay “Mã đáo thành công”, đòi hỏi nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến phải có một sự tạo hình vừa mới mẻ lại vừa tinh tế, phù hợp. Anh chia sẻ: Cái khó nhất đối với nghệ nhân chính là ý tưởng phác đồ, sao cho vừa logic vừa đảm bảo tính lịch sử lại vừa có tính thẩm mỹ cao. Để có được những bản phác thảo hoàn chỉnh là cả sự cố gắng về thời gian, trí tuệ, đặc biệt là trí tưởng tượng của tác giả. 

Một cái khó nữa là, mỗi bức tranh tường đều không thể làm đại trà nhân bản bằng khuôn như một số sản phẩm tranh trong xây dựng hiện nay mà đều phải được nghệ nhân thực hiện thủ công bằng tay. Lưu Xuân Khuyến nói, anh đã từng thử nghiệm sản phẩm nhiều lần bằng khuôn do chính anh tạo tác nhưng khi nung lên đều không ra được hình tượng cũng như màu sắc của gốm như anh mong muốn.

Tranh tường đắp nổi trước khi nung. Ảnh: BGP

Theo nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến, sản phẩm gốm làng Ngòi nói riêng và bất cứ sản phẩm nào khác thì cũng phải có tính ứng dụng cao, tính khái quát, và trước khi tạo ra sản phẩm người nghệ nhân phải xác định rõ sức sống, sự ảnh hưởng của sản phẩm tác động đến đời sống xung quanh như thế nào. Chính với lập trường ấy, nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến đã thổi hồn dân gian xuyên suốt các sản phẩm, và hầu như dòng sản phẩm nào của gốm làng Ngòi cũng được anh đề cao cái duyên, cái thần thái và nhân văn toát lên từ sản phẩm ấy. Làm sao để có một hình tượng vừa gợi cảm, vừa nhân văn, vừa chứa được kịch tính đồng thời vẫn mở ra sự lạc quan cho số phận của hình tượng luôn là vấn đề anh trăn trở. Đạt được tính nhân văn, từ đó tác động đến tư tưởng lạc quan cho người xem, đó mới là sức sống trường tồn của mỗi sản phẩm, là lý tưởng, là cái nghệ thuật cao cả mà nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến đã và đang tạo dựng trong gốm làng Ngòi. 

Có lẽ vì thế, cho dù là gốm tượng hay tranh tường, các sản phẩm của gốm làng Ngòi đều khoác trên mình chiếc áo văn hóa dân gian rất đặc trưng và cuốn hút người thưởng lãm bằng nét mộc mạc, dân dã, gần gũi nhưng vô cùng độc đáo ở họa tiết trang trí và cách thể hiện.

Gốm làng Ngòi trang trí trước nhà. Ảnh: BGP

Đến nay, gốm làng Ngòi đã trở thành một thương hiệu gốm uy tín, ghi tên tuổi vào làng gốm Việt, được sự mến mộ của bạn bè trong nước và quốc tế. Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến được trao nhiều giải thưởng danh giá tại các cuộc thi. Sản phẩm gốm làng Ngòi được xuất hiện tại Triển lãm hình ảnh APEC và di sản văn hóa Việt Nam, được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là "Sản phẩm tinh hoa làng nghề".

Để tạo thêm cơ sở sản xuất vệ tinh, nghệ nhân cũng đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang tổ chức đào tạo nghề cho hàng trăm lao động. Tuy nhiên, gốm là nghề đòi hỏi có khả năng nghệ thuật, độ khéo léo cao, trong khi đó, người dân sản xuất nông nghiệp là chủ yếu cũng như năng lực về vốn, tổ chức sản xuất yếu nên rất khó bám nghề.

Ngôi nhà của gia đình nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến là nơi tiếp khách

cũng như trưng bày sản phẩm gốm làng Ngòi. Ảnh: BGP

Để hỗ trợ phát triển nghề gốm, UBND huyện Yên Dũng đã tạo điều kiện cho cơ sở thuê mặt bằng mới với diện tích 10.000m2. Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến cho biết: “Tôi muốn dân làng thấy nghề gốm sẽ trở thành một nghề chung của cả làng chứ không phải của riêng tôi và mong sẽ có thêm nhiều lò gốm nữa để làng Ngòi trở thành một địa danh nổi tiếng về gốm. Tuy nhiên, tổ chức sản xuất trong làng sẽ rất chật chội, ở xa thì không thuận tiện cho người lao động, vì vậy cần có quy hoạch cụ thể để người dân phát triển nghề bài bản”.

Nét mộc mạc, dân dã, gần gũi nhưng vô cùng độc đáo ở họa tiết trang trí

và cách thể hiện của tranh tường gốm làng Ngòi. Ảnh: BGP

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Gốm làng Ngòi là dòng gốm rất đặc biệt, có triển vọng trở thành thương hiệu của Bắc Giang. Với điều kiện thuận lợi về cảnh quan, môi trường, nguồn nguyên liệu, Bắc Giang có thể phát triển gốm làng Ngòi theo hướng gắn với du lịch…

Trúc Lâm

CHƯƠNG TRÌNH

TUẦN LỄ VĂN HÓA - DU LỊCH BẮC GIANG NĂM 2020

“BẮC GIANG - MIỀN ĐẤT THIÊNG TÂY YÊN TỬ”

-------------***-------------

LỄ KHAI MẠC

- Địa điểm: Khu Di tích Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang.

- Thời gian: 20h00’, ngày 29/01/2020 (tức ngày 05 tháng Giêng âm lịch năm 2020)

 

CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

- Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt Khu Di tích Chiến thắng Xương Giang;

- Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử năm 2020

- Lễ khánh thành Tòa Thượng điện, chùa Hạ;

- Lễ mở cửa rừng tại đền Chín Mìu;

- Lễ khai hội đền Thần Nông;

- Lễ hội Xuân Lung - Thác Ngà;

- Lễ hội Tân Sơn;

- Lễ hội đền Dành, hội hát Ống Tân Yên...

 

CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC

- Trưng bày, giới thiệu các tài liệu, hiện vật về Chiến thắng Xương Giang, Cẩm Trạm - Hồ Cát;

- Trưng bày giới thiệu, quảng bá du lịch Bắc Giang;

- Trưng bày Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm;

- Trưng bày Mộc bản Chùa Bổ Đà;

- Trưng bày ảnh "7 ngày khám phá Tây Yên Tử;

- Triển lãm trưng bày giới thiệu không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm;

- Giải việt dã leo núi chinh phurc đỉnh Non Vua;

- Tổ chức trình diễn Thư pháp;

- Tổ chức Giải Vật dân tộc, Vật tự do tỉnh Bắc Giang;

- Trao giải cuộc thi ảnh "Bắc Giang quê hương tôi"...

 

LỄ TỔNG KẾT, BẾ MẠC

- Địa điểm: Trung tâm Hội nghị tỉnh

- Thời gian dự kiến: Từ ngày 15/02 đến ngày 20/02/2020 (tức từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng năm 2020).

Ảnh đẹp Ảnh đẹp

Video Video

Không tìm thấy video nào

Thông tin ban tổ chức Thông tin ban tổ chức

 Ban tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Giang năm 2020

Ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban Thường trực

Điện thoại: 0984.778.585

Ông Ngô Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Điện thoại: 0912.981.377

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 6,358
Tổng số trong ngày: 122
Tổng số trong tuần: 3,328
Tổng số trong tháng: 49,377
Tổng số trong năm: 153,682
Tổng số truy cập: 1,127,658