Điểm tham quan du lịch Điểm tham quan du lịch

Khe Rỗ - Rừng nguyên sinh kỳ thú

|
Lượt xem:
Theo Quốc lộ 31, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá Tây Yên Tử. Điểm đến là rừng nguyên sinh Khe Rỗ, huyện Sơn Động.

Cách đây hơn 10 năm, đường đến Khe Rỗ rất khó khăn vì chưa có cầu, đập. Muốn vào phải cuốc bộ hơn 30 km. Còn bây giờ, ô tô có thể vào tận bìa cánh rừng. Nói chung, đường đi khá thuận lợi. Bên đường vào, chúng tôi đi qua làng gồm những ngôi nhà cổ. Đó là làng Biềng, chủ yếu là người Tày sinh sống. Hầu hết nhà ở đây là vách tre đắp đất, lợp ngói ta, tường rào bằng gỗ. Trông thật bình dị và lý thú. Làng Biềng cũng nằm trong dự án bảo tồn những nét đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Ô tô có thể đến tận bìa rừng Khe Rỗ

Từ bìa rừng, chúng tôi bắt đầu cuốc bộ vào Vũng Tròn, nơi được nhiều du khách trầm trồ là một trong những điểm đẹp nhất cánh rừng nguyên sinh.

Trong Khe Rỗ có hai con suối lớn là Nước Vàng và Khe Đin. Sở dĩ gọi là suối Nước Vàng vì con suối này có dòng nước vàng chảy quanh năm như mật ong; trong khi đó, suối Khe Đin lại chảy dài với những đoạn thác cao đến ba, bốn tầng, mỗi tầng khoảng 30 - 40m. Nơi thác nước đổ xuống là những vũng nước trong vắt nhìn thấu đáy như: Vũng Tròn, Vũng Soong... thích hợp cho bơi lội hay tắm mát trong hành trình picnic, leo núi khám phá rừng nguyên sinh. 

Cùng đi với chúng tôi có đội văn nghệ của làng Biềng. Lối đi duy nhất là kênh dẫn nước dọc theo suối Khe Rỗ. Hệ thống kênh được xây dựng hơn 10 năm trước theo Chương trình 135. Nước được dẫn từ Khe Rỗ về để phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của nhân dân trong vùng. Điều dễ nhận thấy là công tác quản lý và bảo vệ rừng nơi đây khá tốt. Ý thức bảo vệ rừng của người dân rất cao vì họ ý thức được những lợi ích từ rừng đem lại. Chúng tôi thật sự thích thú trước phong cảnh hữu tình giữa đại ngàn reo vang tiếng suối. Đi chừng hơn 1 km, chúng tôi đến một đập tràn. Nước suối trong vắt nhìn thấu tận đáy, có thể nhìn rõ những con ốc suối đang di chuyển. Suối có các loài ốc hương sống ở các hốc đá chuyên ăn các loài rêu, tảo, nấm mọc trên những gốc cây ven suối được người dân địa phương gọi là hải sâm của rừng. Ốc này thật thơm ngon, bổ dưỡng là một đặc sản của Khe Rỗ.

Cảnh sắc hữu tình của Khe Rỗ khiến chúng tôi thấy thích thú. Các anh chị trong đội văn nghệ làng Biềng cũng hứng khởi gảy lên tiếng đàn, và cất cao lời ca:

“Đường về quê chúng em xa vời/ Vượt mười non, chín sông người ơi/ Có đào nở rộ, có mận chín, óng ánh mật ong thơm ngạt ngào/ Cả bản làng sống giữa trời mây…”

Tiếng đàn tính thánh thót cùng lời ca mộc mạc theo làn điệu Then truyền thống của dân tộc Tày hòa vào tiếng suối rì rào gợi cho người nghe bao liên tưởng thật đẹp về vùng đất này.

Thành viên CLB hát Then xã An Lạc

Phong cảnh nơi đây thật hùng vĩ với những dãy núi trùng trùng điệp điệp. Núi có những mạch nước ngầm tuôn chảy tạo ra những mạch nước mát trong luồn lách bao bọc các ngọn núi. Với diện tích 7.153ha, trong đó có 5.092ha là rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh Khe Rỗ có thảm động thực vật phong phú, đa dạng, cỏ cây hoa lá ngút ngàn, nhiều loài gỗ, thảo dược quý hiếm với 236 loài thực vật và cây lấy gỗ; 255 loài dược liệu như sa nhân, ba kích, hoàng tinh…; hàng trăm loài thú, chim, bò sát, trong đó nhiều loài có tên trong sách đỏ, có loài gần như đã bị tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu. Theo các nhà khoa học, Khe Rỗ là rừng nguyên sinh hiếm có với nhiều khu rừng già rậm rạp, hoang sơ, ngoài những loài thực vật đa dạng, còn có khoảng 226 loài động vật thuộc 81 họ, 37 loài thú, 73 loài chim, 18 loài bò sát. Đặc biệt, có 7 loài thuộc động vật quý hiếm, có những loài quý hiếm có tên trong sách đỏ.

Anh cán bộ xã An Lạc đi cùng giới thiệu: Do đặc trưng địa hình núi cao, rừng nguyên sinh Khe Rỗ được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho một khí hậu trong lành, mát mẻ vào mùa hè, nhiệt độ chỉ khoảng 24-28oC, còn mùa đông lại ấm áp. Nhiều du khách ví Khe Rỗ như một máy điều hòa hai chiều.

Lội chân dưới dòng nước mát, đi dọc men theo lòng suối với nhấp nhô những tảng đá đủ hình thù, kích cỡ, chúng tôi còn chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp của muôn ngàn cỏ cây, hoa lá và những loài ong, bướm sặc sỡ, những loài chim lạ với tiếng hót thánh thót…

Có thể thấy, Khe Rỗ được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh quan đặc sắc. Theo một số chuyên gia đánh giá, rừng nguyên sinh Khe Rỗ không chỉ là khu  sinh quyển của Bắc Giang và trong vùng lân cận mà còn là khu rừng điển hình trong vùng Đông Bắc Việt Nam. Rừng nguyên sinh Khe Rỗ có tiềm năng khai thác các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghiên cứu, du lịch nghỉ dưỡng…

 

Du khách có thể lội nước và nghỉ chân trên những tảng đá ở suối Khe Rỗ

Hòa mình vào phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, chúng tôi như được hưởng những tinh túy nhất của đất trời, cảm nhận nhịp sống bí ẩn của rừng nguyên sinh. May mắn được người dân bản địa kể cho nghe huyền thoại về câu chuyện tình ít người được biết. Bên cây đa có lẽ đã hàng trăm tuổi xum xuê rủ những chùm rễ bên suối, tiếng suối rì rào hòa cùng làn gió mát thổi vào lá cây lao xao càng làm cho câu chuyện tình cảm động của một đôi trai gái thêm đẹp. Chàng trai và cô gái yêu nhau tha thiết, nhưng vì sự cản trở của gia đình không cho lấy nhau, họ đã vào con suối Khe Rỗ hẹn thề chung thủy với nhau trọn đời. Họ ôm nhau khóc, nước mắt của họ chảy mãi, chảy mãi, nhiều đến nỗi tạo nên con suối này. Sau đó, họ hóa đá. Nơi hòn đá mọc lên cây đa mà nay người dân vẫn quen gọi là cây đa Đá Đè. Truyền thuyết đẹp ấy còn lưu đến ngày nay. Giờ đây, nhiều đôi trai gái yêu nhau vào đến Khe Rỗ đều đến bên cây đa, nhiều người trèo lên cây cao để như một sự khắc ghi thề non hẹn biển, sống với nhau trọn đời giống như tình yêu đôi trai gái ngày nào.

Nhiều người truyền nhau, cây đa này thiêng lắm. Gái trai muốn kết bạn, chỉ cần dẫn nhau đến gốc đa thầm thì khấn vái, sẽ nên vợ nên chồng. Cặp đôi nào trắc trở, đến đây cầu nguyện sẽ nên duyên… Dân trong vùng còn gọi đó là cây đa Tình…

Chuyện tình về đôi trai gái cùng cảnh sắc tươi đẹp nên thơ ở đây đã là nguồn cảm hứng cho một nhạc sĩ ở Bắc Giang sáng tác ca khúc “Bản tình ca Khe Rỗ”:

“Bông hoa rừng bên suối/ Em hái về tặng anh/ Suối Khe Rỗ trong xanh/ In bóng hình đôi ta/ Ánh mắt em chan chứa/ Mà chẳng nói câu gì/ Nhờ tiếng rừng thầm thì/ Nói giùm ta người ơi…”

 

Cây đa Tình với truyền thuyết tình yêu chung thủy

Tiếp tục vào sâu trong rừng, chúng tôi càng thấy nhiều loài cây và gỗ quý như lim xanh, táu mật, gụ lan, pơ mu, thông tre, thông nàng…là những loài cây đặc dụng cho rừng nguyên sinh Khe Rỗ.

Sau gần 2 tiếng đồng hồ đi bộ, chúng tôi đến Vũng Tròn, nơi có ngôi nhà sàn của cán bộ kiểm lâm. Ở đây khá đông khách, có bà con đi rừng ghé thăm, có đoàn sinh viên hơn 10 người của một trường cao đẳng du lịch đến Khe Rỗ tìm hiểu về tiềm năng nơi đây. Và thật đặc biệt là một gia đình người Đức đi du lịch sau khi khám phá rừng nguyên sinh Khe Rỗ cũng trở lại nhà sàn để nghỉ ngơi. Thế mới biết, rừng nguyên sinh Khe Rỗ hoang sơ, kỳ bí có sức hấp dẫn đối với rất nhiều người. Nếu Khe Rỗ làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, được đầu tư thỏa đáng về cơ sở hạ tầng, có đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp cùng với phát huy những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số thì chắc chắn Khe Rỗ sẽ trở thành điểm tham quan lý thú không thể bỏ qua của du khách trong hành trình đến với non thiêng Yên Tử.

Vũng Tròn là vực nước khá sâu, nơi thác nước ba, bốn tầng cao vài chục mét từ Khe Đin chảy dài trong rừng Khe Rỗ đổ xuống. Nước ở Vũng Tròn trong vắt đến mức có thể nhìn thấu đáy và chiêm ngưỡng được các loài cá bơi lội dưới nước. Vực nước có nhiều loài cá, nhưng đặc trưng nhất vẫn là cá trôi mắt đỏ. Do dòng thác trên cao đổ về mang theo nhiều loại mầm cây thuốc quý và các côn trùng, sinh vật là thức ăn chủ yếu của cá suối nên thịt của nó rất thơm ngon và bổ. Đã có nhiều người đi du lịch Khe Rỗ, ngủ lại Vũng Tròn và đốt lửa nướng cá suối.

Du khách ghé đến Vũng Tròn có thể nghỉ chân dưới nếp nhà sàn

Trở về thị trấn An Châu khi trời đã tối, chúng tôi ghé một quán ăn bên đường để thưởng thức món ốc hương suối mà mọi người vẫn khen là ngon hết chê. Món ốc được xào với măng rừng và cùi dừa vừa ngậy, vừa giòn nhưng vẫn giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng của thịt ốc. Quả như ai đó đã nói: Đến thăm vẻ đẹp đại ngàn ở Sơn Động mà không được thưởng thức món cá suối và ốc hương thì coi như mới đến Sơn Động một nửa./.

Đăng Lâm

 

CHƯƠNG TRÌNH

TUẦN LỄ VĂN HÓA - DU LỊCH BẮC GIANG NĂM 2020

“BẮC GIANG - MIỀN ĐẤT THIÊNG TÂY YÊN TỬ”

-------------***-------------

LỄ KHAI MẠC

- Địa điểm: Khu Di tích Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang.

- Thời gian: 20h00’, ngày 29/01/2020 (tức ngày 05 tháng Giêng âm lịch năm 2020)

 

CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

- Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt Khu Di tích Chiến thắng Xương Giang;

- Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử năm 2020

- Lễ khánh thành Tòa Thượng điện, chùa Hạ;

- Lễ mở cửa rừng tại đền Chín Mìu;

- Lễ khai hội đền Thần Nông;

- Lễ hội Xuân Lung - Thác Ngà;

- Lễ hội Tân Sơn;

- Lễ hội đền Dành, hội hát Ống Tân Yên...

 

CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC

- Trưng bày, giới thiệu các tài liệu, hiện vật về Chiến thắng Xương Giang, Cẩm Trạm - Hồ Cát;

- Trưng bày giới thiệu, quảng bá du lịch Bắc Giang;

- Trưng bày Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm;

- Trưng bày Mộc bản Chùa Bổ Đà;

- Trưng bày ảnh "7 ngày khám phá Tây Yên Tử;

- Triển lãm trưng bày giới thiệu không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm;

- Giải việt dã leo núi chinh phurc đỉnh Non Vua;

- Tổ chức trình diễn Thư pháp;

- Tổ chức Giải Vật dân tộc, Vật tự do tỉnh Bắc Giang;

- Trao giải cuộc thi ảnh "Bắc Giang quê hương tôi"...

 

LỄ TỔNG KẾT, BẾ MẠC

- Địa điểm: Trung tâm Hội nghị tỉnh

- Thời gian dự kiến: Từ ngày 15/02 đến ngày 20/02/2020 (tức từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng năm 2020).

Ảnh đẹp Ảnh đẹp

Video Video

Không tìm thấy video nào

Thông tin ban tổ chức Thông tin ban tổ chức

 Ban tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Giang năm 2020

Ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban Thường trực

Điện thoại: 0984.778.585

Ông Ngô Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Điện thoại: 0912.981.377

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 6,217
Tổng số trong ngày: 278
Tổng số trong tuần: 3,079
Tổng số trong tháng: 49,128
Tổng số trong năm: 153,433
Tổng số truy cập: 1,127,409